Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành rất nhiều sự quan tâm đến sách báo và thư viện. Những năm bôn ba tìm đường cứu nước, sau những buổi làm tàu, làm bếp, quét dọn, rửa hình, vẽ đồ gốm Bác đều dành nhiều thời gian đi thư viện, thăm bảo tàng và học ngoại ngữ (trích Hồ Chí Minh - vĩ đại một con người của tác giả Trần Văn Giàu). Có một điều rất thú vị mà ít người trong chúng ta biết tới là trong cuộc đời Hồ Chủ tịch có một số thời kỳ Người đã trực tiếp tham gia
Vào những năm 1921, 1922, khi đó Bác đã tham gia “Hội Liên hiệp thuộc địa”, một tổ chức tiến bộ kêu gọi các dân tộc bị áp bức vùng lên giải phóng. Hội có một thư viện nhỏ và những người trong ban tổ chức của Hội thay phiên nhau quản lí thư viện này. Theo “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”, trong thời gian đó, ngoài việc đi làm thuê để kiếm tiền, tham dự các buổi mít tinh và viết báo “Người cùng khổ”, Bác còn tham gia làm công tác thư viện cho Hội. Mặc dù không qua trường lớp đào tạo về nghề thư viện nhưng Bác đã làm công việc hết sức cẩn thận và chu đáo. Năm 1923, trước khi rời Pháp để sang Nga, Bác đã viết thư để lại cho bạn bè ở trong Hội và báo “Người cùng khổ”, trong đó Người đã không quên bàn giao lại sổ thư viện. Bức thư có đoạn “Sổ thư viện để trong ngăn kéo thư viện. Sách cho mượn đã lấy về trừ những sách cho hội viên đi nghỉ mượn”.
Khi học tập tại Trường Đại học Phương Đông, một trường được thành lập theo quyết định của Quốc tế cộng sản để đào tạo các bộ cách mạng cho các nước thuộc địa và phụ thuộc ở Liên Xô trước đây, Hồ Chủ tịch đã tham gia công tác thư viện. Được tiếp xúc và trực tiếp được đào tạo tại Trường này, Bác đã kể lại, Trường có 1025 sinh viên nhưng đã có tới “2 tủ sách với 47.000 quyển sách giúp cho các nhà cách mạng trẻ tuổi đi sâu vào việc nghiên cứu của mình và bồi dưỡng thêm tư tưởng. Mỗi dân tộc hay nhóm có một tủ sách riêng gồm sách báo bằng tiếng mẹ đẻ của họ. Phòng đọc sách được sinh viên trang trí một cách nghệ thuật và có đầy đủ báo chí”. Điều lí thú ở đây là tất cả các sinh viên đều lần lượt làm quen với công tác thư viện. Bác viết “Tất cả các sinh viên đều phải thay phiên nhau làm quen với công tác thư viện”.
Nhờ có tham gia trực tiếp làm công tác thư viện nên hơn ai hết, Hồ Chủ tịch đã thấy được vai trò quan trọng của thư viện trong mọi tổ chức, cơ quan. Và cũng qua đó, Người có dịp tìm hiểu, nắm rất vững các nguyên tắc, nội qui của thư viện và vì thế trong bất cứ hoàn cảnh nào, Người cũng không bao giờ vi phạm nội qui của thư viện. Trong một lần, Hồ Chủ tịch đã ngỏ ý nhờ ông Đại sứ Cộng hòa dân chủ Đức tại Việt Nam mượn cho một cuốn sách mà Người đã có dịp xem hồi hoạt động bí mật ở Beclin. Vị đại sứ ấy đã tìm được cuốn sách và xin được tặng Hồ Chủ tịch. Song, hiềm một nỗi trong sách có in dấu thư viện. Thấy vậy, Hồ Chủ tịch đã tỏ ý không hài lòng và Người đã kiên quyết trả lại. Người còn nhắc nhở: “Không được lấy sách thư viện để tặng như vậy”. Sau này, với cương vị là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngay sau khi Việt Nam giành được độc lập chưa đầy 4 tháng, Người đã dành sự quan tâm đặc biệt cho thư viện, thông qua việc kí sắc lệnh về công tác lưu chiểu (Sắc lệnh số 18 về việc đặt thể lệ lưu chiểu văn hóa phẩm trong nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 31/01/1946). Thông qua câu chuyện nhỏ này, đã giúp chúng ta thấy được tấm lòng say mê, trân trọng của Hồ Chủ tịch với sách báo và thư viện, hiểu được việc Người đã sử dụng sách báo và thư viện trong việc tự học để mở rộng tri thức cũng như phục vụ cho Người trong suốt quá trình hoạt động cách mạng. Đồng thời cũng giúp chúng ta hiểu sâu hơn, toàn diện hơn về tầm nhìn của Bác đối với công tác văn hóa nói chung và thư viện nói riêng.
Trong bối cảnh toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, sách báo và thư viện luôn là một nguồn tri thức hết sức phong phú và quan trọng, là chìa khóa giúp mỗi người đi đến thành công. Nhân dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5), hưởng ứng “Ngày sách Việt Nam” (21/4), với tất cả tấm lòng biết ơn và kính yêu sâu sắc, chúng ta cùng tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh đối với sách báo và thư viện.